Cuối tuần vừa rồi, Mình quyết định đi ngao du sơn thủy chùa Tây Phương – chùa Thầy – Đường Lâm trong ngày. Dưới đây là một số trải nghiệm của Mình, hi vọng với những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin cần thiết cho chuyến du lịch của mình.
Chuẩn bị cho chuyến đi:
Phương tiện: Xe máy, ô tô hoặc xe buýt tùy các bạn, còn Mình đi lại bằng xe máy. Trước khi đi các bạn nhớ đổ đầy bình xăng, lắp gương và mang theo vài dụng cụ sửa chữa xe nhé. Mang theo giấy tờ tùy thân (đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm, bằng lái xe).
Trang phục: Chọn trang phục gọn gàng, thoải mái, giày bata để tiện cho việc leo núi, kính mắt và khẩu trang (Vì đường đi rất bụi nên các bạn nhớ mang theo chúng nhé).
Đồ ăn trưa và một số vật dụng khác: Trước khi đi mình còn chuẩn bị thêm chút đồ ăn trưa và nước uống cho đảm bảo vệ sinh. Các bạn có thể mang theo khăn ướt và giấy ăn, dầu gió, quạt giấy, kem chống nắng, tiền lẻ và đồ lễ đi chùa….
Giá vé tham quan (Cập nhật ngày 05/02/2016):
Chùa Tây Phương: Đối với người Việt Nam và du khách nước ngoài đều giá là 10.000 VNĐ.
Chùa Thầy: Đối với người Việt Nam và du khách nước ngoài đều giá là 15.000 VNĐ.
Làng cổ Đường Lâm: Giá vé cho người lớn là: 20.000 VNĐ, còn trẻ em giá vé là: 10.000 VNĐ.
Hành trình tham quan
7h00: Mình bắt đầu xuất phát nội đô Hà Nội đi chùa Thầy.
Chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam. Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam, chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba âm lịch hàng năm.
Cách đi đến chùa Thầy:
Để đến chùa Thầy có nhiều đường đi. Trước khi tới đây, Mình có tìm hiểu trên mạng thấy mọi người kêu ca rất nhiều về các chiêu lừa ở đây, vì thế Minh cũng rất đề cao cảnh giác. Sau khi gửi xe ở quán café Phố Núi, Mình ghé vào đình Thụy Khê để xem sơ đồ chùa Thầy (ảnh bên dưới).
Lưu ý: Ở đây có mấy người đeo thẻ nói là sẽ hướng dẫn cho các bạn về chùa Thầy và bảo đặt lễ, nhưng nên từ chối và đi ngay.
Để tham quan chùa Thầy, các bạn phải mua vé ở chỗ ban quản lý (giá vé mình đã đề cập ở bên trên rồi). Chùa Thầy có ba tòa nằm song song với nhau, đó là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng (thờ các hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh). Trước chùa có một khoảng sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu (hồ Long Trì). Qua cầu Nguyệt Tiên có con đường lên núi để đến chùa Cao (là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên), ở phía sau chùa còn có động Phật Tích (hay còn gọi là hang Thánh Hóa) là nơi Từ Đạo Hạnh đã thoát xác. Vào trong động Mình thấy có người xoa tay vào đá rồi xoa vào người, hỏi ra mới biết đây là dấu chân và tay mà Ngài để lại, ai muốn cầu sức khỏe thì xoa vào đây rồi xoa lên người.
Rời chùa Cao để lên hang Cắc Cớ, Mình cảm thấy rất bức xúc vì có rất nhiều người tự nhận là người của chùa, cứ bám theo đòi giới thiệu hang. Từ chối thế nào cũng không được cuối cùng đành phải thuê một người và mặc cả luôn tiền hướng dẫn viên, lúc đấy những người còn lại mới chịu bỏ đi.
Hang Cắc Cớ hơi tối và có mùi ẩm ướt, mặc dù có cầu thang để đi xuống nhưng vẫn cảm thấy hơi ghê ^^. Khi đi đến hòn thạch nhũ có tên là “tượng Cậu”, chị hướng dẫn viên (tạm gọi là thế :D) bảo tụi mình thắp hương, đốt ba điều thuốc lá và giới thiệu đây là nơi khách thập phương tìm về để cầu con, nếu nhà nào mong có con trai thì cũng về đây thắp hương và xoa tay vào tượng để cầu con. Ngoài ra trong hang còn có tượng thần Kim Quy (để cầu vàng, bạc), núi Thóc, núi Gạo tượng Cô (để cầu sinh con gái) và cổng Trời. Từ cổng Trời đi sâu vào trong hang là đến hòn thạch nhũ “quả Đu Đủ ( để cầu đủ ăn, đủ mặc, nam thì sờ tay trái nữ thì sờ tay phải); đi tiếp là đến bàn thờ Lữ gia, chị nói mình phải đặt 5 lễ vàng hương, sau đó là đi xem bể xương. Sau khi tham quan xong thì nhận lễ để mang ra ngoài hóa vàng.
Lưu ý khi ở chùa Thầy: (Đây là kinh nghiệm mình tổng hợp trên mạng và kinh nghiệm bản thân)
Chùa Thầy từ trước đến nay vẫn nổi tiếng với nạn móc túi, chặt chém và lừa đảo nhiều. Chính vì vậy khi đi tham quan ở đây, các bạn cần phải chú ý:
Ngay từ đình làng Thụy Khê hay đền Tam Phủ… các bạn phải cảnh giác người dân ở đây (từ những người có thẻ hướng dẫn viên du lịch, đến những người dân bình thường), tỏ thái độ dứt khoát khi họ tự động sắp lễ và khấn vái hộ mình.
Tỏ thái độ dứt khoát khi họ lẽo đẽo theo bạn và thuyết minh về lịch sử của chùa, của hang. Nếu không bạn phải mặc cả giá trước với họ (mình cũng cắt đuôi nhưng không thành công L).
Không cầm, nhận bất cứ thứ gì nếu họ dúi vào tay bạn bảo là lộc chùa như: chiếc khánh, cành vàng… Hay mời bạn rút thẻ lấy may (cái này mình gặp trên đường lên chùa Cao, chỗ có đền thờ Sơn Thần)…
Khi vào thăm hang Cắc Cớ, các bạn chỉ cần thuê đèn pin thôi, giá là 5k/chiếc, còn lễ vàng hương các bạn nên chuẩn bị trước vì lễ vàng hương nếu mua của họ sẽ rất đắt mà trong hang có rất nhiều bàn thờ.
11h00: Rời chùa Thầy để đến chùa Tây Phương.
Chùa Tây Phương còn có tên chữ là Sùng Phúc tự, nằm trên ngọn núi Tây Phương thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội 40km về hướng Tây Bắc. Chùa được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và được coi là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh. Hội chùa Tây Phương diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10/3 âm lịch.
Cách đi từ chùa Thầy đến chùa Tây Phương
Từ chùa Thầy đến chùa Tây Phương không xa lắm, Mình quay lại đường Đại lộ Thăng Long để đi tiếp.
Sau khi gửi xe máy, Mình và bạn đi theo bậc thang bằng đá ong để lên chùa. Khác hẳn so với chùa Thầy, chùa Tây Phương yên tĩnh và cũng ít chèo kéo hơn hẳn, thi thoảng mới có một vài người mời chào mua khánh và quạt. Đường lên chùa không gian thoáng đãng, xung quanh hai đường vẫn còn nhiều nhà dân đang sinh sống. Chùa Tây Phương có ba dãy nhà song song, đó là Bài Đường, Chính Điện và Hậu Cung. Điểm gây ấn tượng sâu sắc nhất cho Mình đó chính là các bức tượng La Hán nơi đây, mỗi pho tượng lại có những biểu cảm khác nhau như người đứng kẻ ngồi, có pho vẻ mặt hân hoan, tươi tắn, có pho như đắm chiêu, đắn đo…thật kỳ lạ.
Sau khi tham quan chùa Tây Phương, chùa Am Thanh, Mình xuống núi, nghỉ chân tạm ở quán nước gần đó để ăn trưa và mua mấy gói chè Lam làm quà. Tuy phong cảnh ở chùa Tây Phương không đẹp như chùa Thầy, nhưng Mình thích cảnh yên tĩnh, thanh bình, không chặt chém, đeo bám khách du lịch ở nơi đây.
13h00: Lên đường đi khám phá Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam, nằm ở bờ phía Nam sông Hồng, cạnh đường Quốc lộ 32, đây là quê hương của nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,…
Tới làng cổ Đường Lâm, Mình dừng lại để mua vé vào cổng. Ấn tượng đầu tiên là sự yên ả, thanh bình với những cánh đồng lúa trải dài men theo làng. Điểm đầu tiên Mình ghé thăm chính là đình làng Mông Phụ, ở giữa sân đình là nơi người dân phơi ngô và sắn khô. Trong đình có hai chiếc khánh cổ được lưu giữ nguyên vẹn: một cái được làm bằng đồng, một cái làm bằng đá. Đình được dựng bằng nhiều cột gỗ lim rất lớn, trên có treo các bức hoành phi câu đối.
Sau khi thăm đình làng, Mình ghé vào tham quan ngôi nhà cổ nhất nơi đây, người dân rất mến khách nhưng phải xin phép họ trước khi vào nhé. Hầu hết các ngôi nhà vẫn còn giữ được vẻ cổ kính xưa kia, nhà bằng gỗ hoặc xây bằng đá ong.
Sau khi tham quan các ngôi nhà cổ, Mình tiếp tục đi để thăm chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền (các địa điểm này cách làng khoảng 3km, các bạn nên thuê xe đạp ở cổng đình Mông Phụ rồi tham quan, giá cho thuê là 50k/chiếc).
Ở Đường Lâm còn có dịch vụ homestay, nếu muốn trải nghiệm cảm giác ở làng cổ, các bạn có thể đến ở nhà người dân nơi đây.
Sau khi tham quan, ngắm nghía các kiểu, tầm 5 giờ chiều, Mình lên đường về Hà Nội.
Và để có một chuyến đi thật ý nghĩa, một số lưu ý sau bạn cần chú ý khi thực hiện hành trình:
Nên hỏi giá trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ; từ trông giữ xe đến ăn uống, mua hương mua lễ dâng Phật,…
Nếu đi vào mùa chính hội thì nên bảo quản hành lý cẩn thận. Tốt nhất những đồ dùng quan trọng, tiền bạc, những đồ đắt tiền nên cất giữ cẩn thận. Tránh tạo sơ hở cho kẻ gian lợi dụng.
Không đưa đồ cho người lạ giữ, và cũng không đồng ý nếu có người lạ mặt tốt bụng nào đó có ý muốn xách đồ hộ bạn. Nếu không họ sẽ đòi bạn trả “phí” xách đồ hoặc bạn sẽ không bao giờ được nhận lại đồ của mình.
Không tự ý vào nhà người dân khi không được phép, đặc biệt là ở làng cổ Đường Lâm
Hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ có một trải nghiệm thú vị và ý nghĩa cho chuyến hành trình tham quan của mình khi du lịch Hà Nội.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét